Tốc độ của wifi nhà bạn không được nhanh như quảng cáo ? Giải pháp để cải thiện

Tốc độ được quảng cáo trên hộp và trong các tài liệu liên quan đến cục router WiFi là tốc độ tối đa trên lý thuyết mà chiếc router đó có thể đạt được trong tình trạng lý tưởng

Tốc độ được quảng cáo của router WiFi chỉ là lý thuyết ?

Tốc độ được quảng cáo trên hộp và trong các tài liệu liên quan đến cục router WiFi là tốc độ tối đa trên lý thuyết mà chiếc router đó có thể đạt được trong tình trạng lý tưởng, và khi được kết nối với thiết bị test xịn sò trong phòng thí nghiệm.

Ví dụ, bạn có một chiếc router được quảng cáo là đạt chuẩn AC1900. Nó có nghĩa là router của bạn hỗ trợ chuẩn WiFi đời thứ 5 (AC tương đương thế hệ thứ 5) và băng thông tối đa mà router có thể đạt được trong trường hợp lý tưởng là 1900 Mbps trên tất cả băng tần mà router hỗ trợ.

Khi dùng điện thoại, laptop, console kết nối vào mạng WiFi, bạn sẽ bị giới hạn băng thông theo đúng với mức mà thiết bị đó đã “giao kèo” với cục router. Trừ khi router của bạn thuộc hàng “tối cổ”, hiếm khi nào mà 1 thiết bị có thể xài hết băng thông của một cái router được. Chẳng hạn, trên cái router AC1900 kia, băng thông sẽ được chia cho băng tần 2,4GHz (tối đa 600 Mbps) và băng tần 5GHz (tối đa 1300 Mbps). Thiết bị của bạn sẽ dùng 1 trong 2 băng tần này, và bạn sẽ không thể nào tận dụng hết băng thông của router được.

Tốc độ tối đa của thiết bị mà bạn đang sử dụng cũng chỉ là trên lý thuyết mà thôi

Sẵn đang nói về tốc độ lý thuyết thì bạn cũng nên lưu ý rằng tốc độ tối đa của 1 băng tần phần lớn cũng chỉ là theo lý thuyết mà thôi. Một thiết bị tương thích với WiFi 5 (802.11ac) sử dụng băng tần 5GHz theo lý thuyết có thể đạt tốc độ lên đến 1300 Mbps, nhưng trong thực tế thì nó chỉ đạt được tầm 50-80% so với con số được quảng cáo mà thôi. Nếu router xịn kết nối với điện thoại đời mới thì sẽ có tốc độ cao hơn so với router cũ bắt cặp với thiết bị cũ.

Rất tiếc là không có mẹo nào để khắc phục vấn đề này cả. Cơ bản thì lúc nào tốc độ mà bạn sử dụng cũng sẽ có sự chênh lệch so với tốc độ được quảng cáo.

Thiết bị mà bạn đang sử dụng có tốc độ đường truyền chậm hơn so với router

Giả sử router WiFi của bạn đang hoạt động ngon lành thì vấn đề “nghẽn cổ chai” thường sẽ nằm ở thiết bị mà bạn đang sử dụng. Ngay cả trong trường hợp lý tưởng, khả năng cao là thiết bị bạn đang xài sẽ không thể nào khai thác hết băng thông của router.

Chẳng hạn, nếu bạn có một chiếc router hỗ trợ tính năng 4×4 MIMO, nhưng thiết bị của bạn chỉ hỗ trợ 2×2 MIMO thì việc khai thác hết khả năng của router WiFi là điều không thể. Tại thời điểm bài viết, thiết bị hỗ trợ chuẩn xịn hơn 2×2 MIMO vẫn còn khá là hiếm. Một vài laptop của Apple hỗ trợ 3×3, và một số laptop Dell cao cấp hỗ trợ 4×4, còn phần lớn thì vẫn chỉ hỗ trợ 2×2 MIMO mà thôi.

Cách để cải thiện Wifi chạy hiệu năng tốt nhất

Nếu bạn lo ngại về việc tốc độ bạn nhận được khi chạy speed test hoặc khi tải tập tin về máy không đúng với những gì mà bạn mong đợi thì bây giờ, bạn đã biết được vì sao nó lại như vậy và cơ bản thì bạn cũng chẳng cần phải làm gì cả. Vả lại, những tác vụ thường ngày cũng hiếm khi nào ngốn băng thông nhiều đến mức chạm ngưỡng tốc độ tối đa của router WiFi.

Thực tế, điều quan trọng ở đây là router của bạn có hỗ trợ kết nối nhiều thiết bị cùng 1 lúc tốt và ổn định hay không. Đối với phần lớn người dùng, có một chiếc router cân được mọi loại thiết bị kết nối với nó cùng 1 lúc vẫn hữu dụng hơn là chiếc router có thể cung cấp băng thông tối đa cho 1 thiết bị, nhưng khi kết nối nhiều thiết bị thì lại chập chờn, mất sóng.

Tóm lại, băng thông đúng là quan trọng đó, nhưng thứ quan trọng hơn là router phải biết cách phân bổ băng thông đó sao cho hợp lý nhất với tất cả các thiết bị kết nối với nó, và phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.