Trung Quốc đang trong thời kỳ nắng nóng cực độ, phải dừng hoạt động một số nhà máy để tiết kiệm điện, chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm gánh nặng.

Đợt nắng nóng đỉnh điểm nhất chưa từng có trong 6 thập kỷ

Hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 6 thập kỷ qua khi nhiệt độ lên tới 40 độ C được ghi nhận ở hàng chục thành phố. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và hộ gia đình tăng đột biến, gây áp lực lớn lên lưới điện. Ngoài ra, hạn hán cũng đã khiến nước sông cạn kiệt, làm giảm sản lượng điện tại các nhà máy thủy điện.

Tứ Xuyên là một trong những tỉnh lớn nhất Trung Quốc với gần 84 triệu dân. Chính quyền tỉnh đã yêu cầu 19 trong số 21 thành phố trong khu vực yêu cầu các nhà máy tạm ngừng sản xuất từ thứ 2 cho tới thứ 7 tuần này. Trong thông báo khẩn cấp, chính quyền tỉnh cho biết biện pháp này được đưa ra để đảm bảo có đủ điện phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tứ Xuyên, vốn nằm ở tây nam Trung Quốc, cũng là khu vực có nhiều đập thủy điện quan trọng. Hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt kéo dài ở đây từ đầu tháng 7. Kể từ ngày 7/8 đến nay, đợt nắng nóng ở Tứ Xuyên và nhiều địa phương khác được ghi nhận là tồi tệ nhất trong 6 thập niên qua. Lượng mưa trung bình ở đây cũng giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn ở phía trước. Hôm đầu tuần, các quan chức Tứ Xuyên cảnh báo địa phương này đang ở trong “thời điểm khắc nghiệt nhất” của đợt nắng nóng kỷ lục. Nó gây ra những áp lực tồi tệ cho việc duy trì cấp điện liên tục.

Trước tình hình đó, Luzhou, một thành phố ở Tứ Xuyên, đã thông báo tắt đèn đường trong thành phố để tiết kiệm và giảm bớt áp lực cho lưới điện. Chưa biết tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian bao lâu.

Hậu quả nghiêm trọng của đợt nắng nóng

Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt tại Trung Quốc, quốc gia vốn vẫn được biết tới là công xưởng của thế giới. Trong khi đó, Tứ Xuyên lại là địa điểm trọng yếu của ngành công nghiệp bán dẫn và bảng điều khiển các thiết bị năng lượng mặt trời. Việc yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động sẽ để lại những tác động to lớn với cả thế giới.

Tứ Xuyên là nơi giàu tài nguyên khoáng sản như lithium và polysilicon, những nguyên liệu thô chủ chốt trong ngành công nghiệp điện tử và quang điện mặt trời. Nhiều công ty bán dẫn toàn cầu đặt nhà máy ở Tứ Xuyên, bao gồm Texas Instruments (TXN), Intel, Onsemi và Foxconn. Công ty sản xuất pin lithium khổng lồ CATL của Trung Quốc, nhà cung cấp pin cho Tesla (TSLA), cũng có một nhà máy trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, việc đóng cửa các nhà máy có thể khiến nguồn cung lithium và polysilicon bị thắt chặt và đẩy giá các nguyên liệu này lên cao hơn.

Một số công ty của Trung Quốc thì cảnh báo hoạt động của họ có thể bị ảnh hưởng do việc cắt điện tại Tứ Xuyên. Trong số những cái tên này gồm Sichuan Haowu Electromechanical, một nhà sản xuất phụ tùng ô tô và Sichuan Lutianhua, nhà sản xuất phân bón và các sản phẩm hóa học.

Ngoài Tứ Xuyên, các tỉnh lớn khác của Trung Quốc bao gồm Giang Tô, An Huy và Chiết Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm điện vì nắng nóng đã làm cạn kiệt nguồn cung. Ở một số vùng, các văn phòng được yêu cầu tăng nhiệt độ điều hòa lên 26 độ C hoặc khóa thang máy đi lên tầng 2 và tầng 3 để tiết kiệm điện.

Rủi ro làm phát

Nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc cũng khiến nhiều vùng nông nghiệp ở nước này mất mùa, làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nước.

“Do ảnh hưởng của nhiệt độ cao bao trùm nhiều khu vực rộng lớn, giá rau tươi đã tăng lên 12,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn đáng kể so với cùng kỳ của những năm trước nữa”, ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong cuộc họp báo đầu tuần ở Bắc Kinh.

Ông Fu chỉ ra nắng nóng gay gắt đã gây hạn hán ở một số khu vực nông nghiệp miền nam Trung Quốc. Ở miền bắc, mưa và lũ lụt cũng dẫn đến mất mùa ở nhiều nơi.

“Tháng 8 và tháng 9 sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng để hình thành sản lượng ngũ cốc mùa thu. Chúng tôi sẽ phải đặc biệt chú ý tới tác động của thiên tai, côn trùng và dịch bệnh đối với sản xuất lương thực trong nước”, ông Fu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát không chỉ đe dọa mình Trung Quốc. Đợt nắng nóng khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động này có thể để lại những tác động tiêu cực với chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó khiến nhiều mặt hàng tăng giá, dẫn tới lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Không giống như Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước phương Tây đang chứng kiến lạm phát kỷ lục trong những quý vừa qua. Việc có thêm những vấn đề với chuỗi cung ứng, vốn có thể khiến lạm phát cao hơn nữa, là điều các nhà hoạch định chính sách phương Tây không mong. Theo số liệu mới nhất, lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu hạ xuống khi giá dầu hạ nhiệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.